Hiện nay trên Internet xuất hiện rất nhiều quảng cáo về thiết bị tiết kiệm điện được giới thiệu là tiết kiệm từ 35% – 40% thậm chí có thiết bị tiết kiệm đến 50%.
Một loại thiết bị tiết kiệm điện
Vậy thực hư loại thiết bị này có tiết kiệm điện như quảng cáo hay không?
Nguyên lý hoạt động của những thiết bị tiết kiệm điện
Những thiết bị tiết kiệm điện(sau đây xin gọi tắt là TBTKĐ) là một loại thiết bị nhỏ gọn được cắm vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà nhằm mục đích “tiết kiệm điện”.
Như ta biết, cường độ dòng điện thường không ổn định. Khi đó các thiết bị gia dụng trong nhà hoạt động không đúng công năng và qua đó có sự lãng phí điện thông qua việc chuyển từ điện năng sang nhiệt năng.
Các hệ thống tụ điện của TBTKĐ sẽ tích điện dư thừa và phát ra khi có sự sụt giảm đột ngột. Hiểu một cách nôm na, các thiết bị này sẽ “duỗi thẳng” dòng điện dao động để tạo dòng ra ổn định cho các đồ dùng trong nhà. Do đó nó giúp bảo vệ và kéo dài tuổi thọ của các thiết bị gia dụng khi điện áp gia tăng đột ngột.
TBTKĐ có thực sự tiết kiệm điện?
Mỗi thiết bị, đồ dùng điện đều có một hiệu suất sử dụng điện khác nhau. Hiệu suất sử dụng điện (HSSDĐ) là tỷ số hiệu quả điện năng sử dụng/điện năng cung cấp. Các thiết bị điện gia dụng thường có HSSDĐ là 0.77 (riêng bếp lò, máy sấy có HSSDĐ bằng 1). Theo GS.TS Nguyễn Xuân Chánh Nguyên Giám Đốc viện Vật lý công nghiệp Việt Nam thì các TBTKĐ chỉ giúp tiết kiệm điện bằng cách giảm công suất tổn hao vô ích, do đó chỉ tiết kiệm tối đa từ 2%-5% lượng điện tiêu thụ.
Như vậy việc các tin tiếp thị, quảng cáo TBTKĐ giảm đến 30-40% lượng điện tiêu thụ là hoàn toàn phóng đại, không có cơ sở khoa học.